Những nguyên tắc vàng khi lái xe dưới trời mưa bão

Ngày đăng: 30 - 09 - 20

Lái ôtô dưới trời mưa bão luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn và các sự cố dẫn tới xe ngập nước, chết máy, hỏng động cơ… Dưới đây là những nguyên tắc vàng:

Chạy chậm, quan sát xe đi trước

Trong thời tiết mưa bão, đi chậm sẽ giúp xe bám đường tốt hơn, giảm tải cho hệ thống phanh đang bị trơn trượt khi bắt buộc dừng, đồng thời dễ phát hiện các chướng ngại trên đường như nắp cống, nắp hố ga. Luôn duy trì khoảng cách hợp lý đối với các xe đi trước, đừng chạy song song với xe khác nào, đặc biệt là các xe trọng tải lớn để tránh bị nước hắt lên kính.

Cùng với việc chạy chậm thì việc quan sát xe đi trước cũng rất quan trọng. Nếu thấy xe phía trước có cùng kiểu dáng với xe của mình và vượt qua đoạn ngập nước an toàn thì hãy đi theo vệt bánh của xe đó. Nhưng nếu xe phía trước có dáng to hơn, gầm cao hơn thì tốt nhất là không nên đi theo.

Những nguyên tắc vàng khi lái xe dưới trời mưa bão
Trong thời tiết mưa bão, nên chạy chậm và quan sát xe đi trước (Ảnh: Tiền Phong)

Dừng xe nếu trời mưa quá to

Việc lái xe khi trời chuyển mưa quá to sẽ rất nguy hiểm, vì lúc này mưa dày hạt sẽ khiến cho cần gạt quá tải, không đảm bảo tầm nhìn. Đặc biệt, khi mưa to kết hợp với gió lớn khiến cho cây bên đường bị gãy, đổ thì việc tiếp tục lái xe càng nguy hiểm. Vì vậy, tốt nhất là nên dừng xe nếu thấy trời mưa quá to.

Không đỗ hoặc đi xe dưới cây to

Khi trời mưa bão có thể khiến cây to bị gẫy cành hoặc quật đổ ra đường, đè lên ô tô, dây điện… Vì vậy, nếu muốn ngồi chờ mưa ngớt thì nên tránh dừng đỗ ở những khu vực có nhiều cây to. Hãy cố gắng tìm những cung đường cao và ít cây to để tránh dính ngập nước và gặp tình trạng cây đổ, cành rơi…

Không nên đối đầu với xe to

Tại đoạn đường ngập nước, nếu xe đối diện là loại lớn hơn so với xe của bạn thì không nên đối đầu, lao ngay vào dòng nước. Bởi sóng nước tạo ra từ các xe lớn đối diện có thể sẽ tràn vào nắp ca-pô, lọt vào khoang máy gây chết máy, xe bị thủy kích sẽ rất khó để sửa chữa.

Luôn bật đèn

Những nguyên tắc vàng khi lái xe dưới trời mưa bão
Luôn bật đèn khi lái xe trong trời mưa bão (Ảnh: Đánh giá xe)

Khi trời mưa to, gió lớn, tầm nhìn của các tài xế đều bị hạn chế. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện cùng lưu thông, hãy bật đèn chiếu gần, đèn sương mù và đèn khẩn cấp để xe phía sau dễ dàng nhận thấy, duy trì khoảng cách an toàn.

Xem xét khi đi qua vùng ngập nước

Nếu phải đối mặt với vùng ngập nước, việc đầu tiên là phải xác định mức nước và tính toán khả năng vượt qua vùng ngập nước của chiếc xe mà bạn đang lái. Nếu nước ngập không quá 20cm hoặc không quá cạnh dưới cánh cửa thì yên tâm xe có thể di chuyển qua một cách an toàn. Nếu không chắc chắn thì tuyệt đối không lái xe qua vùng ngập nước.

Ngoài ra, cũng cần chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.

Tháo lọc gió

Khi quyết định đi qua vùng ngập nước, bạn nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào, thay vì qua đường khí nạp theo xe để tránh cho nước khỏi vào động cơ. Sau khi vượt qua đoạn ngập lụt, bạn có thể lắp lọc gió động cơ trở lại bình thường.

Không được mở cửa

Khi cho xe di chuyển qua vùng ngập nước, tài xế không được mở cửa tránh nước tràn vào xe.

Tắt điều hòa và đi số thấp

Lái xe trời mưa nên đi số thấp vì nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô.

Khi lái xe trong vùng ngập nước, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái từ tốn. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1.

Không đạp thốc ga và rà phanh

Khi đi qua đoạn nước ngập, việc đạp thốc ga mạnh sẽ tạo ra quán tính lớn làm nước dễ tràn lên khu vực lưới tản nhiệt và đi vào ống hút gió.

Những nguyên tắc vàng khi lái xe dưới trời mưa bão
Không đạp thốc ga và rà phanh khi đi qua đoạn nước ngập. (Ảnh: Khám phá)

Bạn cũng lưu ý sau khi đi qua khu vực ngập nước nên dành một chút thời gian để rà phanh để gạt bớt nước cũng như bùn đất, rác bám trên đĩa phanh.

Kiểm tra nội thất

Ngay sau khi đưa xe ra khỏi khu vực ngập nước, hãy tiến hành kiểm tra nội thất, bởi nếu để lọt nước vào nội thất sẽ gây phá huỷ rất nhanh. Nếu thấy có nước, hãy dùng khăn hoặc giấy thấm hết nước đọng lại sau đó dùng quạt hoặc máy sấy để làm khô nội thất.

Kiểm tra khoang động cơ

Cũng như việc kiểm tra nội thất, việc kiểm tra khoang động cơ cũng quan trọng không kém. Sau khi xe ra khỏi khu vực ngập nước, hãy mở nắo capo và quan sát. Nếu thấy có nhiều nước đọng ở lọc gió, động cơ hay bình chứa dầu, chắc chắn chiếc xe đã bị nước lọt vào động cơ.

Với người bình thường không biết về kỹ thuật, cách tốt nhất là để thợ kỹ thuật kiểm tra và sửa chữa.

Đừng cố khởi động lại

Không nên tìm cách nổ máy xe thêm vài lần khi xe bị tắt máy, bởi hành động này sẽ làm cho xe hư hỏng nặng như gây hư hại các bộ phận kết nối giữa piston dẫn đến hiện tượng gãy tay biên, có thể phải thay cả hệ thống động cơ, hệ thống điện. Nghiêm trọng hơn là nước lọt vào động cơ gây thuỷ kích.

Trong trường hợp này, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ.

(Nguồn: Vietnam net.vn )

Rate this post

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI CƠ KHÍ ĐÔNG DƯƠNG

ĐỊA CHỈ : 635/5 Quốc Lộ 13, P. Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Hotline / CSKH : 0904 582 583(zalo)

 

Bài viết liên quan

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ bạn ngay

    LIÊN HỆ
    TOP
    0904 582 583